Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Đình Vân Hán - Nơi ghi dấu sự kiện lịch sử trọng đại

2024-04-24 15:01:00.0

Đình Vân Hán nằm trên một gò đồi ở phía Tây Bắc xóm Vân Hán. Trước cửa đình, chếch về phía phải khoảng 6m là một cây đa cổ thụ. Trên nền đất của đình còn nhiều tảng đá to, đó là những tảng đá kê cột đình trước đây.

Theo lời kể của các nhân chứng, đình Vân Hán được xây dựng vào đầu thời Nguyễn. Trước đây, ngôi đình được làm bằng gỗ, có 3 gian, 2 chái, có kiến trúc như đình Tân Trào, đình Hồng Thái (Sơn Dương, Tuyên Quang), đình Làng Quặng, xã Định Biên (Định Hóa). Ngôi đình có 4 góc mái lợp bằng gianh, cột đình làm bằng gỗ táu, sến... Còn ngôi đình Vân Hán ngày nay có kiểu thức như ngôi nhà cấp 4, có 3 gian, kiến trúc nội thất theo lối kèo kìm, gỗ được sử dụng là xoan, táu và sến, mái lợp ngói vuông bằng xi măng. Lòng Đình rộng 8m, dài 10m, hai bên Đình có đắp trụ bằng gạch trát vữa... Các hiện vật còn giữ lại tại đình, bao gồm: Bộ kiệu dài 3,5m, trạm trổ nổi hình rồng và các hoa văn khác; nhang án cao 1,8m, rộng 0,7m, trạm trổ hình con hạc, con rồng; bình hương bằng xứ, trạm trổ nổi hình rồng phượng; bức tượng khắc danh tướng Dương Tự Minh ở trong khung cao 0,7m, rộng 0,5m, bên dưới có khắc 2 mắt của Ngọc Dung, Đoan Trinh (2 cô con gái của ông). Ngoài ra, Đình còn lưu giữ được 3 sắc phong của Vua Tự Đức, Vua Duy Tân và vua Khải Định ban.

Đình Vân Hán nơi tâm linh thanh tịnh toạ bên sườn đồi thấp ẩn mình dưới bóng đa cổ thụ vài trăm năm tuổi. Nơi đây có bầu không khí trong lành mát mẻ.

Đình Vân Hán là một trong 3 di tích nằm trong quần thể các di tích: đình Vân Hán (thờ vọng Dương Tự Minh), đền Ngựa trắng (thờ đức ông Hùng Dũng Đại vương và con gái của ông), đền Giao Thủy (thờ Đức vua Thủy Linh đại vương thần). Xưa kia, đình Vân Hán có 5 kỳ lễ theo ngày Âm lịch hằng năm: mùng 5 tháng giêng, 25 tháng 3, 10 tháng 7, 15 tháng 8 và 25 tháng 11. Ông Nông Văn Triệu, Chi bộ xóm Vân Hán cho biết: Hiện nay, nhân dân xóm vẫn duy trì các kỳ lễ như trước để tưởng nhớ tới công lao của các anh hùng dân tộc đã có công đức đối với quê hương, xứ sở gắn liền với các sự kiện lịch sử - văn hóa ở địa phương. Đó cũng là dịp để bà con nhắc nhở nhau giáo dục con cháu giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp đã có từ lâu đời...

Không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong xóm, đình Vân Hán còn là nơi đã diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là vào tháng 4-1951, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chọn nơi đây là địa điểm tổ chức Hội nghị trù bị bàn về chính sách thuế nông nghiệp đầu tiên của toàn quốc. Hội nghị họp trong 15 ngày, do Đồng chí Trường Chinh chủ trì, cùng ông Lê Văn Hiến - Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Lê Trung Đình - Chủ tịch Liên khu Việt Bắc với hơn 400 đại biểu của các tỉnh trong toàn quốc về dự. Theo các tài liệu lịch sử, Ban Tổ chức và Ban Bảo vệ phục vụ Hội nghị gồm có 10 đồng chí, Ban Phục vụ gồm 4 đồng chí. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Văn Hán đã bảo vệ an toàn tuyệt đối để Hội nghị diễn ra thành công.

Với những giá trị lịch sử đó, đình Vân Hán đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2015, tỉnh đã đầu tư gần 1,2 tỷ đồng để trùng tu lại toàn bộ ngôi đền. Sau khi được xếp hạng và trùng tu, đình Vân Hán đã trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho thế hệ trẻ của xã Văn Hán nói riêng, của tỉnh Thái Nguyên nói chung./.

Trường Giang (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Văn Hán)

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3393112