Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH THỊNH ĐỨC

2024-04-24 15:12:00.0

Đình Thịnh Đức (Xóm Thịnh Đức - xã Văn Hán - huyện Đồng Hỷ - tỉnh Thái Nguyên)

- Loại hình: Di tích Lịch sử.

- Chức năng ban đầu của di tích: Là nơi sinh hoạt văn hoá của nhân dân.

Ảnh; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên

Đình Thịnh Đức được xây dựng từ lâu, vào năm nào không ai nhớ rõ. Trước đây đình gồm năm gian, cột đình bằng gỗ Táu, mái lợp gianh, có hạ sàn hai bên làm chỗ ngồi cho các quan viên và khách đến thăm đình. Trước năm 1945, Đình Thịnh Đức còn có tên gọi là Đình Làng Đẫu. Đình được xây dựng trên gò Na Làng thuộc đất đình của Thịnh Đức, khu đất đình bằng phẳng, không khí thoáng mát. Đình quay hướng Tây Nam xuống cánh đồng của xóm. Trước cửa đình còn hai cây đa to, bóng mát toả kín sân đình. Năm 1922 đình được làm lại ba gian, xây gạch và lợp ngói máng. Diện tích và khoảng trên 40m2. Gian giữa đình Thịnh Đức là một bộ nhan án cổ có trạm nổi hình long, ly, quy, phượng rất nghệ thuật. Nhan án có chiều cao 1m40, dài 1m80.Trên nhan án vẫn còn đặt một bát hương cổ có đường kính 20cm, cao 25cm trạm trổ hình một con rồng. Bát hương còn nguyên vẹn. Cạnh bát hương cổ còn có những bộ chân nến, ống hương vẫn là một hiện vật trước đây của đình còn giữ được. Trong hậu cung có đặt một chiếc Ngai sơn son thiếp vàng. Hai cánh của gỗ hai bên hậu cung được trạm nổi hình hai con hạc, chân đặt trên lưng con rùa. Trên xà thượng có khắc nổi hai con rồng chầu mặt nguyệt. Hai bên hậu cung đặt hai thang làm bằng gỗ vẫn là hiện vật của đình được giữ lại dùng để trèo lên đặt lễ thắp hương. Phía tay phải đình Thịnh Đức cách 100m có miếu thờ bà Ngọc Hoa công chúa thị Chi Trần. Miếu cao 4m. Hai mái lợp ngói máng cong hình mui thuyền. Hiện nay Miếu còn nguyên vẹn. Đình Thịnh Đức thờ Cao Sơn Quý Minh, một danh tướng thời Lý, có công đánh giặc Tống. Sau khi ông mất, làng dựng Đình thờ cúng để tưởng nhớ công đức của ông.

Về phong tục, lễ hội hàng năm của Đình, dân làng thờ cúng 5 kỳ trong năm vào các ngày 7 tháng giêng ,23/3, 10/3, 15/8 và 23/1(âm lịch). Vào ngày lễ hội, làng tổ chức nhiều trò chơi như múa lân, tung còn, hát ví, đánh vật. Ngày nay dân bản vẫn duy trì hương khói vào các ngày trên, nhưng các ngày hội không còn được duy trì nữa.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta (giai đoạn1946 -1954) tại Đình Thịnh Đức nơi đã diễn ra nhiều cuộc họp bí mật của liên Khu Việt Bắc. Đáng chú ý nhất là năm 1953 thực hiện phong trào cải cách ruộng đất, giảm tô của Đảng và nhà nước. Đình Thịnh Đức được chọn làm nơi họp bàn phong trào cải cách ruộng đất, giảm tô của Đảng và nhà nước. Đình Thịnh Đức được chọn làm nơi họp bàn phong trào cải cách ruộng đất. Trong cuộc họp có đồng chí Nông Quốc Chấn đại diện cho liên khu uỷ Việt Bắc về dự.

- Những hiện vật còn lại của Đình:

1. Một nhan án công đồng.

2. Một ngai sơn son thếp vàng.

3. Một bát hương cổ.

4. Bốn cờ đuôi nheo.

5. Một chiêng bằng đồng.

6. Một cồng bằng đồng.

7. Hai bộ cánh cửa.

8. Hai thang gỗ.

9. Hai con Nghê bằng gỗ.

10. Bốn chân nến bằng gỗ.

11. Hai ống hương bằng gỗ.

12. Ba sắc phong vua ban (cùng chung với đình Vân Hán).

13. Một cột đình bằng gỗ táu.

- Cơ sở pháp lý: Ngày 21/7/2014, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ra quyết định số 1574/QĐ-UBND xếp hạng Đình Thịnh Đức là di tích cấp tỉnh./.

 

Trường Giang (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Văn Hán)

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3393111