Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh dân tộc thiểu số ở Đồng Hỷ

2024-04-19 14:50:00.0

Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Tại huyện Đồng Hỷ, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 thì việc rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh được quan tâm, đặc biệt là việc lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh dân tộc thiểu số vùng cao.

Học sinh Điểm trường Bản Tèn, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng hào hứng đọc sách, báo được trao tặng

Hơn 800 cuốn sách cùng phần mềm quản lý thư viện và các phần quà đã được Huyện đoàn Đồng Hỷ phối hợp với Công ty cổ phần V-GINSENG, Tập đoàn Phenikaa và một số đơn vị thiện nguyện trao tặng cho Điểm trường Bản Tèn, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng vừa qua, góp phần lan tỏa tri thức, phát triển văn hóa đọc đến các em học sinh, tạo thói quen đọc sách mỗi ngày, giúp các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tìm kiếm, tra cứu tài liệu cần thiết phục vụ cho nhu cầu học tập ngày một tốt hơn, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc rộng rãi trong cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Hằng, đại diện Công ty cổ phần V-GINSENG, Tập đoàn Phenikaa cho biết: "Chúng tôi thấy các em nhỏ ở trên này thực sự là thiếu thốn. Chính vì vậy,  chúng tôi phối, kết hợp cùng với các đơn vị hoàn thiện được Thư viện cho em với 7 kệ sách. Đồng thời, hướng dẫn giáo viên và học sinh trang trí, thiết lập và kiến thức quản lý thư viện; thực hành mượn, trả sách".

Em Vương Thị Kim Ngân, học sinh lớp 5, Điểm trường Bản Tèn, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng nói: "Hôm nay em được nhận truyện, em rất vui, em sẽ giữ gìn để cho các bạn khác cùng đọc".

Cảm động trước sự quan tâm này, thầy Lê Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng chia sẻ: "Một thư viện nhỏ ở trên Bản Tèn là một điều hết sức quan trọng nâng cao tri thức cho các em học sinh, bên cạnh đó còn bổ trợ rất nhiều cho công tác giảng dạy của các thầy, cô giáo. Chương trình đã góp phần nâng cao năng lực của trường trong đổi mới hoạt động thư viện và mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của chương trình trong phát triển văn hóa đọc trong thời gian tới".

Các trường học xây dựng thư viện trường học phong phú, đa dạng

Ngoài điểm trường Bản Tèn, thời quan qua, huyện Đồng Hỷ cũng đã dành nhiều sự quan tâm, nguồn lực để phát triển văn hóa đọc ở vùng đông học sinh dân tộc thiểu số. Bằng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, các nhà trường đã xây dựng thư viện trường học, tạo môi trường, phong trào đọc sách giúp các em nâng cao hiểu biết và phát triển kỹ năng sống để phát triển toàn diện cả về đức trí thể mỹ ngay trong trường học. Hiện 100% trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện đã xây dựng được các mô hình thư viện phong phú đa dạng. Ngoài ra, để việc đọc sách trở thành niềm hứng thú và thói quen hằng ngày của các em, các trường còn tổ chức nhiều hoạt động cảm nhận đầu sách, thi kể chuyện theo sách và giới thiệu sách.

Để trẻ em ở huyện miền núi tiếp tục được tiếp cận với nguồn kiến thức mới, phát triển tư duy, kỹ năng ngôn ngữ thì việc xây dựng không gian văn hóa đọc sách cho trẻ em là rất cần thiết. Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ cho biết: "Đồng Hỷ cũng đã có những chủ trương, tiếp tục tuyên truyền vận động và dành sự quan tâm nhất định để hình thành các thư viện và  nhận được sự hưởng ứng rất nhiều của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân. Đồng thời sẽ chỉ đạo ngành giáo dục huyện tiếp tục phát động, tổ chức các phong trào, chương trình quyên góp sách trong phụ huynh, học sinh nhằm tạo nguồn sách, tài liệu, xây dựng các thư viện, tủ sách nhà trường; tổ chức các hoạt động và phát huy hiệu quả chất lượng các thư viện trường học để thu hút giáo viên, học sinh đọc và làm theo sách; phát động phong trào chung tay xây dựng thư viện nhà trường,... Qua đó, khuyến khích, nhân rộng phong trào, rèn luyện thói quen đọc sách, góp phần nâng cao trí thức và phát triển văn hóa đọc trong học sinh và hướng tới xây dựng một xã hội học tập".

Đọc sách sớm sẽ giúp các em dần hình thành văn hóa đọc, có kiến thức nền vững vàng, có định hướng rõ để phát triển bản thân trong tương lai. Việc lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đồng Hỷ ngày càng được nhân rộng và hiệu quả. Thói quen đọc sách hằng ngày của các em là tiền đề quan trọng để nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, góp phần xây dựng đời sống văn hóa xã hội lành mạnh, văn minh./.

Lê Nguyệt, Thu Lan (Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3393071