Phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn - Hướng đi bền vững cho kinh tế địa phương
21-03-2025 09:33
Phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã thực hiện hiệu quả các chính sách của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Kết quả đạt được không chỉ giúp duy trì, bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn tạo động lực cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Người dân thị trấn Sông Cầu có việc làm ổn định nhờ nghề sản xuất, chế biến chè truyền thống
Đồng Hỷ hiện có 43 làng nghề và làng nghề truyền thống, trong đó có 36 làng nghề truyền thống và 7 làng nghề. Đây là nơi hội tụ nhiều nghề truyền thống đặc sắc như chè, miến, hoa lan… Những sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn có tiềm năng vươn ra thị trường quốc tế.
Ông ông Trần Hải Nam, Tổ dân phố Việt Cường, thị trấn Hóa Thượng, chia sẻ: “Nghề làm miến ở đây có từ lâu đời, nhưng trước đây bà con chủ yếu làm thủ công nên sản lượng thấp, chất lượng chưa đồng đều. Mấy năm gần đây, được chính quyền hỗ trợ, bà con mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ mới nên sản phẩm làm ra có chất lượng tốt hơn, tiêu thụ cũng dễ hơn”.
Không chỉ có nghề làm miến, làng nghề chè truyền thống tại Đồng Hỷ cũng đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, toàn huyện đã có 23 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP, tập trung chủ yếu tại các xã, thị trấn: Hóa Thượng, Hóa Trung, Minh Lập, Sông Cầu và Văn Hán.
Ông Nguyễn Xuân Thuỷ, chủ một cơ sở chế biến chè tại làng nghề chè truyền thống xóm 5, thị trấn Sông Cầu, cho biết: “Trước đây, chè chủ yếu được sản xuất theo phương pháp thủ công, chất lượng không ổn định. Nhờ chính quyền hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, chúng tôi đã đầu tư vào máy móc hiện đại hơn, giúp nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng chè khi đưa ra thị trường”.
Theo thống kê, năm 2024, tổng doanh thu từ ngành nghề nông thôn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đạt hơn 1.465 tỷ đồng. Toàn huyện có 11.856 lao động tham gia vào các ngành nghề nông thôn, trong đó có 10.128 lao động làm việc thường xuyên. Thu nhập bình quân của lao động trong ngành chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản đạt 4,3 triệu đồng/tháng, trong khi ngành sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh đạt 5,5 triệu đồng/tháng.
Các làng nghề chè tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến,
nâng cao giá trị sản phẩm chè
Những năm qua, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn huyện được các cấp, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhiều sản phẩm của làng nghề đã tham gia vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có mẫu mã và chất lượng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Các hoạt động hỗ trợ phát triển làng nghề như: Bảo tồn và phát triển làng nghề, đào tạo, tập huấn, xúc tiến thương mại, xây dựng, tạo lập và quản lý nhãn hiệu tập thể...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, huyện Đồng Hỷ vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển làng nghề. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất vẫn còn hạn chế, nhiều cơ sở vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, sản phẩm chưa có tính cạnh tranh cao.
Để bảo tồn và phát triển làng nghề thực chất, hiệu quả, huyện đã căn cứ vào điều kiện cụ thể, lợi thế của từng địa phương để phát triển các làng nghề; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất mở rộng quy mô, tập trung vốn, cải tiến mẫu mã phù hợp với nhu cầu của thị trường; nâng cao khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hóa phát huy thế mạnh của mỗi làng nghề; hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; chú trọng hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động các hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề theo hướng đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác, trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX kiểu mới tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, truyền nghề, tôn vinh các nghệ nhân và có cơ chế chính sách hỗ trợ để duy trì phát triển đội ngũ nghệ nhân; khích lệ động viên các nghệ nhân tham gia thúc đẩy công tác đào tạo nghề, truyền nghề tại địa phương. Tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất tại các làng nghề tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi để quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề; gắn kết chương trình phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch.
Cùng với đó, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, ưu tiên công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo; kết hợp công nghệ mới với kỹ thuật, công nghệ truyền thống để nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm.
Với các giải pháp cụ thể, hy vọng rằng việc bảo tồn và phát triển làng nghề sẽ mang lại hiệu quả cao không chỉ gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị kinh tế cho các sản phẩm làng nghề, cải thiện thu nhập của người dân.
Nguyễn Thơm (Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)