Trồng nho công nghệ cao, làm nông nghiệp tuần hoàn, nông dân Hà Nam có tiền tỷ, môi trường tốt hơn
2025-04-06 11:53:00.0
Điển hình HTX nông nghiệp trồng nho công nghệ cao ở Hà Nam
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du ở xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam là điển hình HTX do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. HTX đang áp dụng các phương pháp canh tác trong trồng cây nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Dẫn chúng tôi ra thăm mô hình trồng nho trong nhà lưới theo công nghệ Nhật Bản, ông Phạm Văn Đức - Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du cho biết: HTX có diện tích canh tác nông nghiệp 5ha. Trong đó có 3ha trồng nho mẫu đơn, nho hạ đen theo tiêu chuẩn hữu cơ công nghệ Nhật Bản, 2ha trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Phạm Văn Đức - Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du ở xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam chăm sóc vườn nho của HTX. Ảnh: Thu Hà
Ngay từ khi bắt đầu xây dựng mô hình, HTX đã xác định phát triển phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. HTX đầu tư hệ thống nhà màng với khung sắt, mái nilon màu trắng loại dày; hệ thống tưới tiêu tự động; thiết kế giàn leo chắc chắn với mục đích tăng năng suất, giảm công lao động, giảm dịch bệnh gây hại…
"Toàn bộ quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh cho nho được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học. Để hạn chế cỏ mọc, HTX đã sử dụng "tuyệt chiêu" phủ kín bạt 2/3 bầu trồng, chỉ để hở 1 khoảng trống xung quanh gốc. Áp dụng phương thức này giảm được 80% lượng cỏ mọc" - ông Đức cho biết thêm.
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm thăm mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du ở xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Thu Hà
Về phân bón cho cây trồng, ông Đức cho biết, HTX chủ yếu sử dụng phân bò ủ mục bón cho cây nho. Bên cạnh đó, HTX kết hợp bón phân gà, phân vịt phía trên mặt luống cộng với các loại chế phẩm sinh học khác. Bởi vậy, cây nho cho hiệu quả kinh tế khá cao, một năm cho thu hoạch hai lứa vào tháng 5, 6 và tháng 10, 11. Giá bán nho mẫu đơn dao động từ 200.000 – 300.000 đồng/kg, nho hạ đen là 150.000 đồng/kg.
Hiện tại, sản phẩm nho tươi của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du đã được các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Năm vừa qua, vườn nho của HTX đã cho thu hoạch được hơn 3 tỷ đồng. Với 2ha còn lại, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đồng Du trồng thanh long ruột đỏ, bưởi đào, bưởi diễn, bí ngô, dưa lê và các loại rau màu khác cho thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX đã tạo công văn việc làm thường xuyên cho từ 7-10 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định 4 triệu đồng/người/tháng.
Làm nông nghiệp tuần hoàn, tiết kiệm 40% chi phí đầu vào
Ở lĩnh vực chăn nuôi, anh Đặng Xuân Nam ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là điển hình nông dân giỏi của tỉnh Hà Nam với mô hình chăn nuôi tuần hoàn, bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về mô hình của mình, anh Nam cho biết: Hiện nay, anh đang nuôi 30 con bò sữa đang cho thu về khoảng hơn 300kg sữa mỗi ngày. Lượng phân, chất thải của bò được gia đình thu gom, xử lý ủ cùng với phế phụ phẩm khác trong khoảng thời gian từ 4 - 5 tháng.
Anh Đặng Xuân Nam ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam dùng máy băm cỏ để làm thức ăn cho đàn bò sữa 30 con. Hiện anh Nam đang phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn, bảo vệ môi trường. Ảnh: Mai Chiến
Khi phân đã hoai mục, trở thành phân bón hữu cơ, anh Nam đem bón cho cây trồng gồm cỏ voi, húng quế, ngô sinh khối... Trong đó, cỏ voi, thân cây ngô làm thức ăn tinh cho đàn bò sữa; húng quế được ép lấy tinh dầu.
Đặc biệt, với diện tích 15ha cây húng quế để sản xuất tinh dầu dược liệu, đến khi thu hoạch húng đưa vào sản xuất tinh dầu, số bã thải của loại dược liệu này cũng được anh Nam đưa ra khu ủ để làm phân bón hữu cơ cho các loại cây trồng tại trang trại.
Với cách làm này, hằng năm trang trại của gia đình anh Nam tiết kiệm được khoảng 40% chi phí đầu vào (gần 150 triệu đồng). Không những thế, mô hình kinh tế tuần hoàn còn xử lý gần như triệt để tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong cả quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh; góp phần quan trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
"Chất thải ở trang trại của chúng tôi đều được coi là tài nguyên quý, một loại nguyên vật liệu dùng để sản xuất phân dùng để chăm bón cho chuối, ngô, húng... Dùng phân hữu cơ không chỉ nhằm cải tạo đất, đáp ứng đủ dinh dưỡng giúp cây trồng hấp thu nhanh, phát triển tốt cho năng suất cao và hiệu quả hơn. Nhờ thế mà chúng tôi giảm được chi phí mua phân hóa học, xử lý môi trường khép kín tuần hoàn rất hiệu quả"- anh Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Nam cho biết: Xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội; hằng năm, Hội Nông dân tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cấp hội, nhất là cơ sở triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực; thường xuyên tuyên truyền, phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, Hội đã tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực như: tuyên truyền các tin bài, ảnh, phóng sự trên báo, đài, bản tin công tác hội, qua hệ thống đài truyền thanh xã, phường, thị trấn; tuyên truyền miệng thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; cấp phát tờ rơi, qua việc vận động cán bộ, hội viên, nông dân viết bài thi tìm hiểu luật đất đai, luật tài nguyên nước…
Các cấp Hội Nông dân toàn tỉnh Hà Nam đã nhân rộng các mô hình vệ sinh môi trường nông thôn, như: “Hội viên nông dân sử dụng làn nhựa đi chợ, hạn chế sử dụng túi nilon trong sinh hoạt”; “Hành lang xanh”; “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn”; “Hố ủ rác hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh làm phân bón”; “Cánh đồng không tàn dư thuốc bảo vệ thực vật”…
Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh đã vận động được 93.805 hộ nông dân ký cam kết trong sản xuất, kinh doanh, chế biến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường vì sức khỏe cộng đồng.
Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng các mô hình nông nghiệp xanh thân thiện với môi trường, nông nghiệp tuần hoàn… nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Qua đánh giá, nhiều mô hình sản xuất kinh tế theo hướng tuần hoàn, an toàn, sản xuất theo quy trình VietGAP cho giá trị kinh tế cao hơn so với trước, sản phẩm được xuất bán vào các siêu thị và nhiều kênh phân phối khác.
Để phát triển các mô hình kinh tế một cách hiệu quả, bền vững; xây dựng môi trường nông thôn sạch, nông nghiệp xanh, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hà Nam tiếp tục vận động hội viên, nông dân áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện đúng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với công tác bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị thu nhập cho người nông dân...
danviet.vn