Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

2020-09-26 21:39:00.0

Nếu trước đây, chính sách dân số luôn nhấn mạnh mục tiêu “giảm sinh” thì mục tiêu của chính sách dân số mới là “duy trì mức sinh” (mỗi bà mẹ có 2 con). Để đạt được mục tiêu này, việc nâng cao chất lượng dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đóng vai trò quan trọng.

Chị Chu Thị Loan, cán bộ y tế xã Nam Hòa tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình cho chị em trong xã

Trong 40 năm qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Tổng tỷ suất sinh đã giảm, từ mức mỗi cặp vợ chồng có tới 5 con vào những năm 1970, đến 2016 tỉ lệ này đã ở mức sinh thay thế là 2,09 con. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại đã tăng từ 37% năm 1988 lên 67% năm 2016. Nhờ thành công của chương trình Dân số- KHHGĐ, đã hạn chế được việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, giúp tiết kiệm đáng kể các khoản chi cho các dịch vụ xã hội.

Nghị quyết số 21 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã định hướng chính sách dân số Việt Nam thời gian tới là chuyển trọng tâm từ Dân số- KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Đây chỉ là việc chuyển trọng tâm của chính sách dân số chứ không phải là bỏ qua việc thực hiện KHHGĐ. Thậm chí, công tác này vẫn phải được duy trì mạnh mẽ mới có thể đạt được các mục tiêu đặt ra.

Hiện nay quy mô phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của nước ta vẫn còn rất cao, nhu cầu về cung ứng các dịch vụ về KHHGĐ vẫn rất lớn. Thống kê của Tổng cục Dân số - KHHGĐ cho thấy, tính đến năm 2017, cả nước có khoảng 25 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tình trạng mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thanh niên (10-19 tuổi) chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 20%).

Riêng tại Đồng Hỷ, hiện có khoảng 35.000 phụ nữ trên 15 tuổi, trong đó có khoảng 25.000 phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ (Từ 15-49 tuổi). Nhiều năm qua, công tác kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn huyện nhìn chung được thực hiện khá tốt, số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai tăng dần hàng năm. Chỉ tính trong 2 năm trở lại đây đã có hơn 14.000 trường hợp sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại như: đặt dụng cụ tử cung, triệt sản, sử dụng bao cao su, uống thuốc tránh thai và tiêm thuốc tránh thai.

Có thể nói, công tác KHHGĐ góp phần ổn định quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số. Chất lượng dịch vụ KHHGĐ tại Đồng Hỷ đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn do sự thiếu đồng đều về nhận thức của người dân, về nhân lực, phương tiện tránh thai… Với tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cao, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, phá thai còn lớn, để nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới, việc nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đóng vai trò quan trọng. Đầu tư vào công tác KHHGĐ chính là đầu tư nhằm cải thiện sức khoẻ và thực hiện các quyền của phụ nữ và các cặp vợ chồng.

Ngày tránh thai thế giới năm nay có chủ đề: “Đảm bảo việc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có chất lượng cho mọi người dân”, nhằm kêu gọi hành động từ lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở các cấp; các tổ chức, các nhà cung cấp dịch vụ y tế hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới; nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; huy động cộng đồng và truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển trong tình hình mới nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các nhóm đối tượng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về dân số kế hoạch hóa gia đình.

Bên cạnh những hoạt động truyền thông, hưởng ứng nhân Ngày tránh thai thế giới năm nay, Trung tâm Y tế huyện còn triển khai, thực hiện Chiến dịch tăng cường công tác truyền thông, vận động và lồng ghép cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình từ ngày 29/9 – 17/11/2020 tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn. Tại các điểm cung cấp dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình, các cán bộ Dân số còn tư vấn cho bà con nhân dân về lợi ích và hiệu quả của việc phòng tránh thai, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) chủ động tham gia khám sức khỏe sinh sản định kỳ, khám phát hiện sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung, viêm nhiễm đường sinh sản, tư vấn cho các chị em lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp.

Với các hoạt động cụ thể thiết thực trên, Trung tâm Y tế huyện mong rằng sẽ lan tỏa tạo được sự chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dân số và hoàn thành các chỉ tiêu DS-KHHGĐ năm 2020 và những năm tiếp theo./.

Nguyễn Thơm (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3392129