Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Đồng Hỷ khởi sắc sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

2019-09-12 15:46:00.0

Vượt qua muôn vàn những khó khăn do xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, những xáo trộn vì việc chia tách địa giới hành chính. Cấp ủy chính quyền và nhân dân huyện Đồng Hỷ đã nỗ lực không ngừng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. 10 năm qua, từ chỗ bình quân mỗi xã chỉ đạt 5,4 tiêu chí thì đến nay toàn huyện đã có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (không kể hai xã Huống Thượng  và Linh Sơn chuyển về thành phố Thái Nguyên); bình quân mỗi xã đạt 16,46 tiêu chí (tăng 11 tiêu chí so với năm 2010); không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí. Nông thôn mới đã phủ lên vùng đất này màu xanh trù phú, yên bình, mang lại sự đổi thay mạnh mẽ trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân để càng làm càng say, càng khó càng vào cuộc với nhiều dấu ấn trong phương pháp, cách làm và nội lực để tạo ra những mùa quả ngọt.

Những cánh đồng mẫu lớn, những mô hình kinh tế gia đình đã nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích

Mặc dù không phải là xã điểm nhưng với sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong xã cùng với quyết tâm chính trị cao, từ chỗ chỉ có 7/19 tiêu chí đạt năm 2011, đến tháng 8 năm 2015 xã Minh Lập đã đạt chuẩn nông thôn mới. Về đích trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Giờ đây, Minh Lập đã chuyển mình thay đổi không chỉ bởi những khu sản xuất, chăn nuôi tập trung, những ngôi nhà khang trang giữa làng quê mà còn là hệ thống hạ tầng được đầu tư bài bản. Không bằng lòng với những kết quả đã đạt được, xã Minh Lập lại tiếp tục đoàn kết một lòng tiên phong trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Trở lại Minh Lập những ngày này, dẫn chúng tôi đi trên con đường nông thôn mới kiểu mẫu rộng rãi, ông Nguyễn Quốc Lập, Bí thư Đảng ủy xã Minh Lập không dấu nổi niềm tự hào, ông chia sẻ: "Để xây dựng tuyến đường kiểu mẫu có tổng chiều dài 6 km, rộng 10m này cần giải phóng một diện tích đất rất lớn. Điều đáng nói, trước năm 2015 khi xây dựng tuyến đường này, nhân dân hai bên đường cũng đã hiến đất và các tài sản trên đất. Trước yêu cầu mở rộng tuyến đường, một lần nữa cần sự đóng góp, ủng hộ của 400 hộ dân với việc bà con phải phá dỡ trên 2.000 m tường rào, trụ cổng xây kiên cố và hiến trên 20.000 m2 đất". Giai đoạn 1 của tuyến đường hiện đã hoàn thành với 3km đoạn từ Tiểu đoàn 31 đến UBND xã. Con đường giờ đây đã rộng gấp đôi so với khi xã Minh Lập mới đạt chuẩn giai đoạn 1. Hiện, giai đoạn 2 của tuyến đường đoạn từ UBND xã đến Trại Cài đang được triển khai xây dựng. Bà Trần Thị Hậu, xóm Cà Phê, xã Minh Lập, một trong những hộ hiến đất cho tuyến đường cho biết: "Hai lần làm đường là hai lần gia đình tôi phải hiến đất và phá dỡ tường rào, trụ cổng nhưng tôi rất phấn khởi bởi mình hy sinh để cho con cháu mình có đường to đẹp để đi".

Sức bật nông thôn mới đã tạo nên sức sống mới cho địa phương. Xóm Cà Phê 1 trước kia đã hoàn thành 9/9 tiêu chí xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Sau khi sáp nhập với xóm Cà Phê 2 và trở thành xóm Cà Phê như bây giờ, 327 hộ dân trong xóm được giao nhiệm vụ tiếp tục thực hiện các tiêu chí xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, chỉnh trang làm đẹp nhà cửa giờ đã trở thành ý thức tự giác của mỗi người dân nơi đây. Ông Nguyễn Văn Sử, Bí thư Chi bộ xóm Cà Phê, xã Minh Lập cho hay: "Qua quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, thành tựu lớn nhất mà xóm đạt được đó chính là nhận thức của người dân đã được thay đổi. Điều đó thể hiện thông qua việc nhân dân tham gia hiến đất, tài sản trên đất và đóng góp xã hội hóa để xây dựng các công trình. Cùng với đó là tập quán sản xuất, nếp sống sinh hoạt cũng có nhiều đổi mới..."

Văn Hán - Một trong những xã khó khăn nhất của huyện Đồng Hỷ. Trước khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, Văn Hán không có 1 mét đường nhựa hay đường bê tông nào. Ông Vi Ngọc Thi, Chủ tịch UBND xã Văn Hán, nhớ lại: "Trước kia, có những lần phải lên huyện họp chúng tôi vẫn phải đi đường vòng từ Văn Hán sang La Hiên, xuôi đường QL 1B xuống UBND huyện hoặc chúng tôi phải đi qua Nam Hòa, sang thành phố Thái Nguyên rồi mới vòng sang được UBND huyện. Có những lúc xã phải thuê đầu xe máy cày, máy kéo để chở học sinh, giáo viên đến trường cũng như nông sản của người dân để đem đi chợ bán".

Nhưng giờ đã là một Văn Hán hoàn toàn đổi khác. Những tuyến đường nhựa, đường bê tông các loại có tổng chiều dài gần 150 km vươn dài và len lỏi đến khắp các ngõ xóm, nương chè, cánh rừng đã đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân trong và ngoài xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nam Hòa từng là xã 135. Bởi vậy, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những hướng trọng tâm trong thực hiện xây dựng NTM của xã Nam Hòa. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã Nam Hòa mới chỉ đạt 11 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo lúc đó chiếm tới 22,3%. Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, xã Nam Hòa đã thực hiện đồng loạt các giải pháp như: Sử dụng tất cả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, sử dụng có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả cũng như các nguồn vốn ngân hàng chính sách để cho các hộ nghèo vay phát triển sản xuất. Xã Nam Hòa bây giờ đã có nhiều mô hình sản xuất. Ông Hoàng Văn Dục, xóm Trung Lợi, xã Nam Hòa năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ngày ngày vẫn ra vườn. Nông thôn mới đang tạo hứng khởi cho những người dân như ông muốn làm cho làng xóm đẹp hơn, sức sống hơn nữa. Ông vui vẻ cho biết: "Mô hình cây ăn quả đem lại hiệu quả khá cao đã giúp gia đình tôi thoát nghèo và từ đó có kinh tế gia đình phát triển vững vàng hơn".

Mặc dù là địa phương có không ít khó khăn đặc thù, nhưng sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đồng Hỷ đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân ngày càng sâu sắc tạo ra các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, bộ mặt nông thôn khởi sắc. Đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Gần 10 năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Hỷ đã huy động được trên 1.500 tỷ đồng, hàng vạn ngày công, vận động nhân dân hiến gần 100 ha đất, hàng nghìn mét tường rào. Đã có 565 km đường giao thông các loại được triển khai thi công, gần 45 km kênh mương bê tông được xây dựng; 43 công trình thủy lợi được sửa chữa, nâng cấp.

Cơ sở hạ tầng được đâu tư đã mang lại sức sông mới cho mỗi vùng nông thôn

Từ điện, đường, trường trạm hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp đầu tư đồng bộ tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của các vùng nông thôn. Năm 2010 đến nay huyện đã tiến hành đầu tư xây dựng 56 công trình trường học trên với tổng vốn đầu tư trên 143 tỷ đồng. Đến nay toàn huyện có 42/47 trường học đạt chuẩn quốc gia; huy động các nguồn lực đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các trạm y tế. Đến nay, đã có 13/13 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Xác định xây dựng nông thôn mới, chiều sâu cốt lõi là quá trình phát triển sản xuất nâng cao đời sống cho người dân, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành đưa cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc. Tranh thủ tối đa các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất về đất đai, vay vốn, tạo sự chuyển biến thật sự trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay toàn huyện có 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 32 làng nghề, 34 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Được xác định là cây mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong việc phát triển sản xuất hàng hoá và là cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu cho người nông dân. Chương trình phát triển chè luôn được huyện Đồng Hỷ xác định là chương trình nông nghiệp trọng điểm để tập trung chỉ đạo, có chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư. Diện tích, năng suất, sản lượng chè tăng nhanh. Đến nay, diện tích chè toàn huyện đạt trên 3.600 ha, trong đó chè kinh doanh hơn 3.100 ha, tăng 650 ha, sản lượng chè búp tươi trên 38.000 tấn tăng hơn 9.600 tấn so với  năm 2010. Giá trị thu nhập sản xuất chè đạt 250-300 triệu đồng/ha/năm, tăng 100-120 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010.

Những cánh đồng mẫu lớn, những mô hình liên kết gạo sạch, nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, những người nông dân với tư duy manh mún, nhỏ lẻ ngày nào giờ đã biết sản xuất theo chuỗi, nâng cao hiệu quả trên từng đơn vị diện tích biến sản phẩm nông nghiệp có giá trị hàng hóa ngày một cao. Các mô hình chăn nuôi được quan tâm phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung liên kết. Thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện giờ đã đạt 34 triệu đồng/người/năm. Từ chỗ tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập thì đời sống vật chất cũng như văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên, phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới càng lan tỏa. Thành quả hôm nay thật sự đáng ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Ban chỉ đạo các cấp, đặc biệt là sự dấn thân, tâm huyến và cống hiến hết mình của chính mỗi bà con nông dân, của đội ngũ cán bộ đảng viên, của mỗi cán bộ xóm luôn đi đầu, bước trước, say xưa hết mình vì một phong trào lớn, vì sự phát triển chung. Tuy vậy, trong suốt chặng đường dài khó khăn là không ít.

10 năm với nhiều nỗ lực để tạo ra những mùa quả ngọt tại từng địa phương, từng tiêu chí và từng mô hình cụ thể. Đồng Hỷ đang phấn đấu để cuổi năm 2019 đưa thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, theo đó 3 xã tốp cuối còn nhiều khó khăn như Văn Lăng, Tân Long, Hợp Tiến. Ví dụ như xã Hợp Tiến để hoàn thành tiêu chí giao thông cần phải hoàn thiện gần 60 km đường với số vốn gần 60 tỷ đồng, một con số rất lớn đối với địa bàn xã. Hay như Văn Lăng đến thời điểm hiện nay mới chỉ đạt 10 tiêu chí, thử thách không hề nhỏ. Biến khó khăn thành động lực, nỗ lực và nỗ lực hơn nữa để đưa các xã cuối cán đích nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nâng thôn mới kiểu mẫu. Đồng Hỷ tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn trong thời gian tới. Nói về nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Thủy, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Bên cạnh việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, huyện Đồng Hỷ đặt mục tiêu đến hết năm 2020 có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Xây dựng xã Minh Lập đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và định hướng sau năm 2020 có ít nhất 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50 triệu/người/năm".

Xác định chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cấp ủy chính quyền và nhân dân huyện nhà, thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, không có điểm kết thúc. Chặng đường duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí với các chiều sâu văn hóa và phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới còn nhiều thử thách. Nhưng kinh nghiệm 10 năm qua là những giá trị quý trong chặng đường đi tới với sự đồng lòng, đồng sức và những nỗ lực không ngừng nghỉ, bức tranh nông thôn mới huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục có những thành quả ý nghĩa tạo nên nhiều điểm nhấn trong bức tranh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh cũng như trên cả nước.

Nguyễn Thơm - Trường Giang (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3392919